Thứ Sáu, Tháng 3 21, 2025
spot_img
HomeTin tứcTin HANICTGặp gỡ ICT Xuân Ất Tỵ 2025 - Đột phá phát triển...

Gặp gỡ ICT Xuân Ất Tỵ 2025 – Đột phá phát triển Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số quốc gia

Với tinh thần đột phá “Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc” từ Nghị quyết Bộ Chính trị số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024  sự kiện được tổ chức với chủ đề Đột phá Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số quốc gia gắn kết trọng trách cộng đồng CNTT-TT.

Ngày 19/2/2025, tại Hà Nội, 20 hội, hiệp hội và câu lạc bộ trong ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) Việt Nam tổ chức sự kiện “Gặp gỡ ICT Xuân Ất Tỵ 2025”.

Với tinh thần đột phá “Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc” từ Nghị quyết Bộ Chính trị số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024  sự kiện được tổ chức với chủ đề Đột phá Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số quốc gia gắn kết trọng trách cộng đồng CNTT-TT.

Các Hội, Hiệp hội gồm: Hội Tin học VN (VAIP), Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT VN (VINASA), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử VN (VEIA), Hội Truyền thông Số VN (VDCA), Hội Tự động hóa VN (VAA), Hội Vô Tuyến điện tử VN (REV), Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM), Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA), Hiệp hội An toàn thông tin VN (VNISA), Hiệp hội Internet VN (VIA), Hội Thể thao Điện tử giải trí VN (VIRESA), Hội Tin học Y tế VN (ViMASS), Hiệp hội BlockChain VN (BVA), CLB Phần mềm tự do nguồn mở VN (VFOSSA),  CLB các Khoa-Viện-Trường  CNTT VN (FISU), CLB Xử lý Ngôn ngữ và Tiếng nói tiếng Việt (VLSP), CLB Olympic Tin học VN (VNOI), Hội Tin học và Viễn Thông Hà Nội (HANICT), Hội Tin học Tp HCM (HCA), Hội Tin học Đà Nẵng (DCA) đã đồng tổ chức Gặp gỡ ICT Xuân Ất Tỵ 2025 thành công, là dịp cộng đồng CNTT-TT gặp gỡ, chia sẻ cùng các Cơ quan QLNN, Viện, Trường, Doanh nghiệp và bè bạn trong nước và quốc tế về cơ hội và thách thức của ngành ICT trong năm 2025  và những năm tiếp theo.

Đại diện cho các Hội, Hiệp hội, GS TS Nguyễn Thanh Thủy, chủ tịch Hội tin học Việt Nam đã phát biểu chào mừng hội nghị.

Gặp gỡ ICT Xuân Ất Tỵ 2025 vinh dự có sự tham dự của Tân Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng; các Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Lê Xuân Định, Hoàng Minh; các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Bùi Hoàng Phương; và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Tân bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao ý nghĩa các chương trình gặp gỡ ICT đã tổ chức và đặc biệt chương trình Gặp gỡ ICT xuân Ất Tỵ 2025. Ông cho rằng, trước đây BTC và cộng đồng ICT luôn đề nghị “Nhà nước đồng hành cùng cộng đồng ICT”, nhưng trong bối cảnh mới và trong sự kiện này ông đề nghị ” Cộng đồng ICT đồng hành cùng nhà nước, bộ Khoa học và công nghệ” để chung tay thực hiện thành công và đưa nghị  quyết 57 vào cuộc sống.

Ông nhấn mạnh: để phát triển, Việt Nam cần một chiến lược rõ ràng, trong đó KHCN, ĐMST và CĐS đóng vai trò nền tảng. Ông cũng lưu ý đến vai trò quan trọng của AI và khẳng định rằng quốc gia sử dụng AI hiệu quả sẽ vượt trội hơn so với quốc gia không tận dụng công nghệ này. Nghị quyết 57 chính là bước đi quyết liệt để hiện thực hóa chiến lược phát triển dựa trên công nghệ.

Chia sẻ tại sự kiện, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp bày tỏ sự kỳ vọng vào Nghị quyết 57:

TS Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội tự động hóa chia sẻ tại sự kiện

  • Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhận định Nghị quyết này sẽ tạo ra một bước phát triển đột phá, góp phần thúc đẩy nền kinh tế và cộng đồng khoa học công nghệ.

  • Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC, đánh giá cao tinh thần đổi mới và coi đây là một nguồn động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp công nghệ số.

Trọng trách lớn của đội ngũ KHCN, ĐMST và CĐS

Ngày 19/2, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong KHCN, ĐMST và CĐS. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đây là một nghị quyết có tính cách mạng, được xây dựng trong thời gian ngắn nhưng mang lại tác động lớn.

Nghị quyết tập trung vào việc tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh. Tinh thần của nghị quyết là: “Nghẽn ở đâu, gỡ ở đó; cần đột phá ở đâu, có chính sách đặc biệt ở đó”. Các chính sách cụ thể bao gồm:

  1. Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học: Cơ chế cho phép rủi ro trong nghiên cứu mà không yêu cầu hoàn trả chi phí nếu không có kết quả.
  2. Khoán chi trong nghiên cứu khoa học: Tập trung vào quản lý mục tiêu thay vì quản lý cách làm.
  3. Cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu: Cho phép tổ chức nghiên cứu sở hữu kết quả nghiên cứu dù sử dụng ngân sách nhà nước, nhằm thúc đẩy thương mại hóa.
  4. Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào KHCN: Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào KHCN và ĐMST.
  5. Hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông: Nhà nước hỗ trợ đến 15% tổng giá trị đầu tư vào 5G nếu doanh nghiệp viễn thông triển khai ít nhất 20.000 trạm 5G trong năm 2025.
  6. Phát triển cáp viễn thông biển và viễn thông vệ tinh: Chính sách cho phép doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển tuyến cáp biển quốc tế và ứng dụng công nghệ vệ tinh tầm thấp tại vùng sâu, vùng xa.
  7. Chỉ định thầu cho các dự án chuyển đổi số giai đoạn 2025 – 2026: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án CĐS cấp quốc gia.
  8. Đầu tư vào công nghệ bán dẫn: Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ phục vụ nghiên cứu và đào tạo.

Các đồng chí lãnh đạo và toàn thể hội nghị chứng kiến lễ công bố thỏa thuận hợp tác của Hội Tin học Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam và Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam.

Tại “Gặp gỡ ICT Xuân Ất Tỵ 2025″, Hội Tin học Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam và Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam đã công bố thỏa thuận hợp tác gồm 6 nội dung hợp tác chính, trong đó có việc phối hợp tư vấn, phản biện trong quá trình triển khai Nghị quyết 57.

Tân Bộ trưởng bộ KH&CN  Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trọng trách, sự kỳ vọng của đất nước với đội ngũ người làm KHCN, ĐMST và CĐS là rất lớn, ông bày tỏ mong muốn các hội, hiệp hội thời gian tới sẽ tích cực hỗ trợ Bộ, ngành; đồng thời, đề xuất Ban tổ chức cần điều chỉnh để tên gọi sự kiện gặp gỡ đầu xuân có thể đại diện cho tất cả cộng đồng người làm  KH&CN nước nhà.

BTC tặng hoa cảm ơn các nhà tài trợ sự kiện

Đại diện HANICT chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện

Ban tổ chức cũng đã dành những bó hoa tươi thắm và lời cảm ơn chân thành đến các đơn vị đồng hành, các nhà tài trợ, đã ủng hộ và hỗ trợ để sự kiện được tổ chức thành công.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bình luận

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

- Advertisment -
Google search engine

Phổ biến