Khác với các hội địa phương khác, HANICT là một hội của Thủ đô. Xin ông cho biết HANICT có lợi thế gì hơn các địa phương khác và chúng ta phải tranh thủ thế mạnh này như thế nào?
HANICT là một hội của Thủ đô. Do đó, thế mạnh đương nhiên là về đầu mối thông tin, các cơ chế chính sách từ các cơ quan trung ương có thể tiếp cận được rất nhanh.
Thứ hai là trên địa bàn Hà Nội tập trung rất nhiều doanh nghiệp có công nghệ cao hoạt động trên phạm vi cả nước. Do đó, HANICT có nhiều điều kiện thường xuyên tiếp xúc, hợp tác với các doanh nghiệp này với những giải pháp rất tốt. Qua đó, sẽ chọn lọc ra những giải pháp phù hợp với Hà Nội để thúc đẩy ứng dụng vào thực tế.
Tuy nhiên, ở Thủ đô cũng có những việc khó vì gần với các cơ quan trung ương thì những đề xuất của HANICT cũng vướng phải những lớp bảo vệ nhất định. Nguyên nhân vì các sở, ban ngành của Hà Nội khi triển khai các dự án cũng khó hơn các địa phương khác vì quyền tự quyết có thể còn hạn chế do dễ gặp phải những ý kiến trái chiều. Tôi nghĩ, đó cũng là những phản biện tốt nhưng để triển khai các dự án thường sẽ mất nhiều thời gian hơn các địa phương khác.
Và riêng HANICT cũng có một cái khó là các hội viên doanh nghiệp là nguồn lực về khoa học công nghệ chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn thường tham gia Hội Tin học Việt Nam và các hội, hiệp hội CNTT có quy mô toàn quốc. Do đó, nguồn lực của HANICT về cơ bản còn nhiều hạn chế.
Chúng ta đang nói nhiều đến chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Theo ông, bản thân ngành CNTT có thể làm gì cho những kỳ vọng về chuyển đổi số? Bên cạnh đó, các lĩnh vực có nhu cầu cần phải sẵn sàng như thế nào?
Giới CNTT cả nước đều hiểu rõ về chuyển đổi số cùng những mong muốn của Chính phủ cho vấn đề này. Những quyết định ở tầm cỡ quốc gia thì Chính phủ cũng đã đặt ra rất nhiều mục tiêu về xã hội số, chính phủ số và kinh tế số là 3 trụ cột của chuyển đổi số. Kế hoạch về chuyển đổi số đến 2025 và định hướng đến 2030 đều cũng đã có rồi.
Tuy nhiên theo tôi, chuyển đổi số không phải là một sản phẩm cụ thể mà là một quá trình cần triển khai. Có 2 cách tiếp cận với chuyển đổi số là từ trên xuống và từ dưới lên. Nếu tiếp cận từ dưới lên thì phải có rất nhiều giải pháp nhỏ, giải pháp làm từng bước một. Và cái nào số hoá được thì làm luôn. Còn giải pháp lớn từ trên xuống thì phải là một kế hoạch tổng thể. Nhưng trong kế hoạch tổng thể đó thì quan trọng nhất chính là dữ liệu và các cơ quan, tổ chức phải được số hoá dữ liệu với toàn bộ thực thể vật lý.
Dữ liệu chính là cốt lõi để chuyển đổi số ở mọi nơi để đánh giá mức độ chuyển đổi số. Thực tế hiện nay việc này vẫn bị coi là chậm và chưa tin cậy, chưa đạt được kỳ vọng. Chỉ khi đã số hoá được toàn bộ dữ liệu thì mới đưa được các giải pháp vào để quản trị thông minh, điều hành…
Và người dân muốn truy nhập vào các cơ sở dữ liệu của chính quyền thì cũng phải được phép. Hiện nay, Nhà nước cũng đang tập trung vào các cơ sở dữ liệu lớn như là về dân cư, doanh nghiệp, thuế, hải quan… nhưng chất lượng của các cơ sở dữ liệu đó đang có nhiều vấn đề. Nhiều giải pháp đã tạo ra thuận lợi thế nhưng những thuận lợi đó cũng đang bị lợi dụng do kiểm soát có thể còn chưa chặt. Doanh nghiệp có thể khai và đóng thuế điện tử rất thuận tiện nhưng mặt trái của nó cũng còn nhiều vấn đề.
Trong chuyển đổi số có rất nhiều công nghệ, giải pháp có thể ứng dụng. Nhưng cái mà chúng ta cần chú trọng đầu tiên là phải làm cho tốt khâu dữ liệu và dữ liệu đó phải được mở để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập để phục vụ nhu cầu của mình, thậm chí là sinh lời trên những dữ liệu đó. Cụ thể có thể nói đến các doanh nghiệp làm về công nghệ tài chính (fintech) có thể cung cấp dịch vụ cho xã hội dựa trên những dữ liệu đó. Suy nghĩ của cá nhân tôi là như thế.
Ông nghĩ gì về bài toán ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ở cấp chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) và ngành CNTT cần phải quan tâm, hỗ trợ họ như thế nào?
Đối với chính quyền cơ sở, họ sẽ làm theo những giải pháp của chương trình 749 về chính quyền địa phương mà đã có trong kế hoạch rồi. Đó là những giải pháp cũng từ trên đưa xuống qua các cơ quan quản lý về CNTT như Sở Thông tin và Truyền thông và chính quyền cấp trên.
Đó là các giải pháp về dịch vụ công để phục vụ người dân với các nhu cầu khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, nhà đất…
Tuy nhiên, với mỗi nơi lại có thể có những giải pháp có cách tiếp cận tốt hơn đối với người dân trên địa bàn của mình và cũng có thể kết nối với giải pháp của các cơ quan cấp trên đưa xuống. Giải pháp ở đây có thể dễ sử dụng và gần với người dân hơn. Chính quyền cấp xã, phường chính là nơi gần với người dân nhất và nếu được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp CNTT thì sẽ có những giải pháp tạo ra sự thuận tiện hơn đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Cuối cùng, với tư cách là một tổ chức thành viên của Hội Tin học Việt Nam, ông có mong muốn gì về những sự quan tâm cần thiết của Hội Tin học Việt Nam với các hội địa phương?
Trước hết, HANICT có mối quan hệ rất chặt chẽ với Hội Tin học Việt Nam vì cả hai đều đóng trụ sở trên địa bàn Hà Nội. Cá nhân tôi đang là thành viên Ban chấp hành Hội Tin học Việt Nam và ông Nguyễn Long – Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cũng là thành viên Ban chấp hành của HANICT. Nhiều sự kiện với sự phối hợp của hai hội cũng đã được tổ chức và đem lại hiệu quả chung.
Còn với các địa phương khác, nhất là những nơi mới thành lập Hội Tịn học hoặc ở vùng sâu, vùng xa thì thì kinh nghiệm hoạt động cũng còn nhiều hạn chế. Cho nên, các Hội Tin học địa phương rất cần những sự quan tâm, hướng dẫn của Hội Tin học Việt Nam về cách thức vận hành cho tổ chức của mình như thế nào cho hiệu quả. Thậm chí là cần cả hướng dẫn về các quy chế nội bộ… vì về cơ bản ở nhiều nơi cũng chưa hoàn thiện.
Hội Tin học Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm thì hoàn toàn có thể chia sẻ, hướng dẫn để các Hội Tin học địa phương có thể học tập và nếu có những điểm sáng thì cũng cần thông qua Hội Tin học Việt Nam để chia sẻ cho các địa phương khác. Những kinh nghiệm được Hội Tin học Việt Nam đúc kết là rất quan trọng cho các Hội Tin học địa phương.
Xin cám ơn ông!